MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐỔI MỚI TRONG CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM HIỆN NAY

Song song với việc dạy học văn hoá theo hướng hiện đại, tăng cường tính chủ động sáng tạo và phát huy tính tích cực của học sinh thì việc đổi mới giáo dục nhân cách học sinh cũng đang được đặt ra cấp thiết. Trong công tác giáo dục đạo đức cho HS thì vai trò của người GVCN lớp là vô cùng quan trọng. GVCN cùng một lúc phải đảm nhiệm nhiều vai trò, lúc là người cha, khi là người mẹ, người thầy, là người anh, người chị, … và cũng có những lúc là người bạn… Quả thật để làm tròn tất cả các vai ấy chẳng dễ chút nào. Nhưng những khó khăn, thách thức của người GVCN chưa dừng lại ở đó. Hiện nay, ngoài việc phải đáp ứng được những yêu cầu của công cuộc đổi mới giáo dục theo chương trình GDPT 2018, GV làm công tác CN còn phải đối mặt với những áp lực đến từ phía PHHS và áp lực từ dư luận xã hội đối với nghề giáo khi nhiều PH luôn có tư tưởng “Trăm sự nhờ thầy cô” rồi phó thác toàn bộ trách nhiệm giáo dục HS cho thầy cô, nhà trường; còn dư luận xã hội thì luôn yêu cầu GV phải mẫu mực, phải tận tâm, phải cống hiến, hi sinh và không được phép sai sót. Rồi áp lực còn đến từ chính những em HS thân yêu của chúng ta khi các em được gia đình nuông chiều từ nhỏ để rồi khi đến trường học vẫn  mang cái tư tưởng của những cậu ấm cô chiêu để thách thức mọi giới hạn của thầy cô các em. Vậy là khó khăn chồng chất khó khăn cần có nhiều giải pháp mới có thể làm tròn vai của mình trong năm học.

Một là: Người GVCN cần phải trau dồi năng lực quản lí và kĩ năng giao tiếp ứng xử: Năng lực quản lý, lãnh đạo của GVCN là yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định đến sự thành công của một lớp học. Ngoài việc thực hiện các chỉ đạo của BGH thì GVCN cần phải biết xây dựng các hoạt động độc lập riêng, mang tính đặc thù của lớp mình. GVCN cũng cần phải có tầm nhìn, phát hiện và giải quyết sớm các vấn đề nảy sinh ở lớp mình chủ nhiệm. Khi triển khai một hoạt động giáo dục mới cần phải có kỹ năng “truyền lửa” làm  cho  mỗi HS tích cực, nhiệt huyết tham gia các hoạt động đó. GVCN cũng phải là người “Cầm cân, nẩy mực” để xử lý thấu tình, đạt lý mọi tình huống xảy ra trong tập thể lớp mình. Các đồng chí hãy bình tĩnh, bình tĩnh hơn nữa, kiên nhẫn, kiên nhẫn hơn nữa với các em. Hãy chủ động nắm bắt, thấu hiểu tâm lí học sinh và xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ ban cán sự lớp có uy tín, có trách nhiệm, có năng lực, bản lĩnh.

Hai là: GVCN cần gần gũi, thấu hiểu quan tâm và nắm chắc hoàn cảnh của từng HS trong lớp.

Như chúng ta đã biết, các em học sinh bậc Trung học đang ở độ tuổi “dậy thì”, “ tuổi khó bảo” rất dễ tự ái, dễ chán nản trước những khó khăn trong cuộc sống. Ở tuổi này các em thường hành động mang tính bộc phát, theo cảm xúc nhất thời mà không lường đến hậu quả. Do vậy GVCN cần gần gũi, tiếp xúc, trò chuyện với các em nhiều hơn, tạo sự thân thiện, tin tưởng để các em bộc lộ tình cảm. GVCN kịp thời nắm bắt tâm sinh lí của HS sẽ có những hỗ trợ phù hợp, kịp thời trước khi có những sự việc phát sinh … hướng các em nhận thức được giá trị bản thân, nâng cao lòng tự trọng và biết cố gắng để vượt qua những khó khăn trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Ba là: GVCN cần là tấm gương sáng cho học sinh noi theo

GVCN phải thực sự mẫu mực, cần là tấm gương từ nhận thức đến hành động thực tiễn, từ lời nói cử chỉ điệu bộ đến thái độ ứng xử hằng ngày. GVCN phải bằng tấm lòng nhân ái, bao dung không vụ lợi, yêu thương học sinh bằng tấm lòng chân thành, cởi mở, tạo cho các em miềm vui khi đến trường. Đồng thời cần giáo dục HS biết yêu thương, quan tâm và có trách nhiệm với mọi người, với cộng đồng.

Bốn là: GVCN phải là “cầu nối ” trong công tác phối hợp giáo dục với GVBM, GV tham vấn học đường. Việc thường xuyên trao đổi với GVBM sẽ giúp GVCN nắm bắt thông tin về tinh thần, thái độ học tập, ý thức tổ chức kỷ luật, học lực…của từng học sinh trong lớp. Từ đó lên kế hoạch giáo dục HS, chọn phương pháp giáo dục phù hợp và đồng thời tìm kiếm sự hỗ trợ từ các lực lượng giáo dục khác. Đây là căn cứ để qua đó GVCN có sự nhìn nhận và đánh giá khách quan về kết quả học tập và rèn luyện của từng học sinh.

Năm là: Phối hợp chặt chẽ và phát huy vai trò của Ban đại diện CMHS và PHHS. GVCN cần tạo sự thống nhất và đồng thuận với PHHS, với Ban đại diện CMHS về phương pháp làm việc, cách thức phối hợp và các biện pháp giáo dục tích cực đối với HS sẽ áp dụng trong năm học. Thường xuyên liên lạc trao đổi thông tin tình hình của lớp với Ban đại diện CMHS và PPHHS để cùng thảo luận và phối hợp giải quyết những vấn đề phát sinh trong tập thể học sinh hoặc cá nhân học sinh.

Sau cùng,