Từ nhiều năm học qua, ngành Giáo dục - Đào tạo đã thực hiện hiệu quả phong trào đổi mới, sáng tạo trong dạy và học. Ở nhiều trường, phong trào này được thực hiện theo nhiều cách khác nhau, nhưng đều mang lại kết quả hết sức quan trọng, đó là chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao hơn...
Thực hiện công văn số 3819/BGDĐT-GDTH ngày 31/07/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2023-2024, ngành Giáo dục thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; vận dụng phù hợp những thành tố tích cực của các mô hình, phương thức giáo dục tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đặc biệt là đổi mới tổ chức hoạt động giáo dục trên lớp học; khuyến khích giáo dục STEM và STEAM trong giáo dục tiểu học.
STEM là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kĩ năng liên quan đến (các lĩnh vực) khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học – theo cách tiếp cận liên môn và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Thay vì dạy bốn môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế.
Có thể nhìn các thành tố trong Giáo dục STEM dưới góc nhìn phát triển năng lực của người học. Chẳng hạn, yếu tố “Kỹ thuật” trong Giáo dục STEM tạo ra năng lực kỹ thuật của người học thể hiện qua khả năng giải quyết vấn đề nảy sinh trong thực tiễn đời sống bằng cách thiết kế các đối tượng, hệ thống và xây dựng các quy trình sản xuất để tạo ra chúng.
Trong Chương trình GDPT mới, vai trò của giáo dục STEM thể hiện ở những điểm sau: STEM tích hợp các kiến thức từ các môn học như Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học...; cải thiện rõ rệt vị trí của giáo dục tin học và giáo dục công nghệ; Yêu cầu dạy học tích hợp và đổi mới phương pháp giáo dục của Chương trình GDPT mới, tạo điều kiện tổ chức các chủ đề STEM trong chương trình môn học, góp phần phát triển năng lực vận dụng kiến thức liên môn giải quyết các vấn đề thực tiễn cho học sinh; Tính mở của Chương trình GDPT mới cho phép một số nội dung giáo dục STEM có thể được xây dựng thông qua nội dung giáo dục của địa phương, kế hoạch giáo dục của nhà trường và những hoạt động giáo dục được xã hội hoá. Chương trình cải thiện rõ vị trí của GD tin học và GD công nghệ. Điều này không chỉ thể hiện rõ tư tưởng giáo dục STEM, mà còn là sự điều chỉnh kịp thời của GDPT trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các em được trải nghiệm những kiến thức đã học từ các môn học qua một nội dung thiết thực và thú vị với chuỗi các bài học Kĩ thuật dạy theo định hướng giáo dục STEM.
Trong thực tế, môn Kĩ thuật trong trường Tiểu học có nội dung đa dạng, thú vị và tương đối phù hợp đời sống của các em học sinh. Xét riêng chương trình Kĩ thuật lớp 5 tập trung vào học “Kĩ thuật phục vụ”, “Kĩ thuật nuôi gà” và “Lắp ghép mô hình kĩ thuật”. Theo đặc thù của trường Tiểu học thuộc trung tâm thành phố Hà Nội, nội dung thêu trang trí và tìm hiểu nuôi dưỡng và chăm sóc gà không phù hợp với các em học sinh trong thực tế. Giáo viên phải chọn lọc nội dung khác phù hợp, mang tính cập nhật hơn và phân phối lại chương trình cho phù hợp với số tiết dạy của các bài học có nội dung thêu thùa và chương “Kĩ thuật nuôi gà”.
Dạy học theo định hướng STEM là một sự lựa chọn cần thiết và phù hợp để thay thế các nội dung dạy học không có tính thiết thực đối với học sinh trong môn Kĩ thuật.Tổ chuyên môn Khối 5, sau khi được đi dự tập huấn và đã nghiên cứu về mô hình dạy học STEM và đưa vào nội dung chương trình các bài học như: “Chậu cây tự tưới”, “Bóng bay tên lửa”, “Thiết kế ô tô”...sẽ mang đến những giờ học trải nghiệm đầy lý thú cho học sinh.