Bài dự thi: ĐẠI SỨ VĂN HÓA ĐỌC

 

Bài dự thi: ĐẠI SỨ VĂN HÓA ĐỌC

“Gánh gánh gồng gồng

Gánh sông gánh núi

Gánh củi gánh cành

Ta chạy cho nhanh

Về xây nhà bếp

Nấu nồi cơm nếp

Chia ra năm phần...

...Gánh gánh gồng gồng...”

Những câu đồng dao Việt Nam sâu lắng đầy cảm xúc gợi nên cho chúng ta hình ảnh con người đã gian lao, khổ cực, vất vả khi mang trên vai mình trọng trách cao cả lấy lại sự tự do, sự độc lập cho dân tộc Việt Nam. Và giữa những phiên chợ văn chương ồn ào, náo nhiệt ta vô tình bắt gặp một ngòi bút tài hoa và độc đáo ở thời kì mưa bom bão đạn. Tác phẩm của bà như đóa hoa thơm nở ra giữa sa mạc cuộc đời, tất cả hiện thực được thâu tóm vào câu chữ, khơi dậy trong lòng độc giả những cảm xúc mênh mang. Đó là bà Nguyễn Thị Xuân Phượng. Bà sinh năm 1929, là một chứng nhân lịch sử đáng trân trọng và hiện tại bà đang sinh sống tại Pháp. Xuân Phượng có thể nói có 2 cuộc đời, hơn 60 năm đầu tiên bà gắn mình với cách mạng, chế thuốc nổ, trở thành phóng viên chiến trường và làm phim tài liệu. Ở 30 năm còn lại bà dành hết cho hội họa với vốn kinh nghiệm bằng không. Hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” là một kiệt tác văn chương rất nổi tiếng của bà, được viết lại từ cuốn hồi ký Áo dài được viết bằng tiếng Pháp. Năm 2001, hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” được nhà xuất bản Plon in ấn và phát hành tại Paris, được dịch ra tiếng Anh và tiếng Ba Lan. Cuốn sách đã gây tiếng vang trên văn đàn ngay từ khi xuất bản và được trao giải thưởng văn học Hội Nhà văn năm 2020. Với 343 trang được chia làm 34 chương bà đã mượn ngòi bút để kể hết được cuộc đời vừa gian khổ vừa đầy thách thức của mình khi đi cách mạng. Giọng kể nhẹ nhàng, điềm đạm, chất chứa nhiều tâm trạng, nỗi niềm nhưng không nặng nề, bức xúc chính vì thế hay nhờ thế, câu chuyện về cuộc đời của Xuân Phượng đã khiến người đọc nhiều khi phải khóc cười trước những cảnh ngộ của bà. Tháng 7 năm 1989, bà gặp mẹ và các em tại sân bay Charles de Gaulle Paris. Gia đình đã bay từ Mỹ sang thăm bà vì khi ấy bà chưa đủ thị thực vào Mỹ. Trong một bữa cơm, mẹ bà có hỏi: “Con ơi, sao con theo họ làm chi, để gia đình ly tán, phải rời quê cha đất tổ con ơi!” Tiếng hỏi từ đáy lòng của một người già ly hương làm chị em bà chết lặng. Từ giây phút đó bà nảy ra ý định phải kể lại đời mình, mong muốn gia đình nhỏ của bà hiểu hơn về những gì bà đã trải qua và cũng vì những người trẻ chưa hề biết đến chiến tranh. Bà quyết định viết lại ĐỜI MÌNH

Đọc xong cuốn sách này chúng ta sẽ càng hiểu thêm về sự khó khăn gian khổ khi phải đối mặt với chiến tranh và vẻ đẹp anh hùng, bất khuất, đảm đang của những người phụ nữ Việt Nam trong những năm tháng đau thương.

Mở đầu câu chuyện bà đã kể về ngày bà trên con đò xa quê. Một ngày tháng 6 năm 1945, khi bà đang ôm chiếc xe đạp nhỏ bé và trầy xước, co ro trong chiếc áo dài trắng mỏng chờ chú của bà về lấy chiếc bơm xe, không lâu sau bỗng vang lên một tiếng súng..Lính Pháp đóng ở khu Võ Miếu cách đấy khoảng hai cây số bắt đầu mở trận càn. Bà khi đó sợ hãi tột cùng, mang theo nhiều tâm tư tình cảm, khát khao tuổi trẻ bà vứt lại chiếc xe đạp nhỏ lao vội xuống bến và nhảy lên con đò. Vội, vội đến mức bà chỉ còn kịp nhìn chiếc xe nằm chỏng chơ và mờ dần. Và năm ấy, bà mới chỉ mười sáu tuổi. Đang ở lưng chừng tuổi trẻ, tuổi đầy nhiệt huyết cũng đầy chênh vênh. Bà mang sự nhiệt huyết, niềm tin đối với sự tự do, khát khao về một tương lai rạng ngời lên con đò để theo kháng chiến, xa gia đình thân yêu. Con đò Huế hôm ấy đã đưa bà ra xa, xa mãi cái bến đò Chợ Mai của tuổi trẻ. Những tháng ngày sau đó bà đã cố gắng hết mình để lập nên nền văn minh tự do cho dân tộc.

Và công việc bà gắn bó cùng chính là chế tạo thuốc nổ. Từ tháng 8 năm 1947, bà về đầu quân cho “Nha Nghiên cứu Kỹ thuật Yên Sơn chi nhánh liên khu 4” thuộc “Nha Nghiên cứu Kỹ thuật Bộ Quốc phòng Việt Bắc”, còn có tên gọi tắt là NCKT Yên Sơn. Bà bắt đầu kể về công việc của mình, hàng ngày bà quây quần quanh một chiếc bàn tre, ông Liễu (một người làm cùng với bà tại NCKT Yên Sơn) đã mở cuốn sách Chimie et Explosifs (Hóa học và chất nổ) của Berthollet và Howard bắt đầu giảng dạy. Bốn mươi người được chia ra nhiều nhóm để pha chế fulminate, một chất nổ cực nhạy dùng để kích hoạt ngòi nổ. Những lời chỉ dẫn thật ngắn gọn “Hai gramme fulminate= một mạng người” có thể nói theo một cách khác thì nó chính là nếu để hai gramme fulminate nổ thì đi toi một sinh mạng! Khi đó bà vừa làm vừa run vì khi làm bà phải rất chú ý đến tiếng máy bay Pháp luôn rè rè do thám trên trời. Nhưng rồi cảm xúc run sợ ấy cũng tan biến dần dần, thay vào đó nó biến thành một thói quen. Bà đã không còn cảm thấy sợ hãi, vì nguyện vọng của bà chỉ có bảy chữ “Giành lại độc lập cho đất nước”. Công việc nguy hiểm như vậy cũng có lúc phải xảy ra sơ suất, nhóm của bà đã hết sức thận trọng nhưng rồi cũng không tránh khỏi...Sáng hôm ấy, Phan Thanh Nam và bà đã đến phiên sấy khô một lượng lớn bột fulminate vừa mới kết tủa xong. Khi vừa đi ra ngoài không lâu, một tiếng nổ vang dội đã làm cho bà hoảng sợ vô cùng. Cả thân người Nam lảo đảo đi ra, cả thân người cháy đen, may sao nhờ có đôi kính cận không lúc nào rời nên fulminate chỉ bám chặt vào hai mắt kính dày. Bà đã nhanh chóng ném chiếc kính ra xa. Trên chuyến đò đưa Nam đi bệnh viện, Nam rên la suốt đêm, quằn quại vì đau đớn. Bà cũng cố gắng quạt hết sức không rời tay. Đây cũng chính là một trong những mảnh kí ức khó quên nhất của bà trong khoảng thời gian đi kháng chiến. Khi viết lại những dòng này, cảm xúc dâng trào, cuộn lên trong trái tim bà. Nhớ..nhớ đến những người bạn cùng đồng hành với mình suốt chặng đường khi làm việc tại NCKT Yên Sơn và cũng là những người gắn bó với bà hơn nửa cuộc đời Cách Mạng. Bà lúc đó nhớ đến một bài hát mà Hồ Thanh Kha, Vũ Mão và bà đã đồng ca:

“Bao giờ xa cách nhớ nhau nhé

Bao giờ anh trở về

Trên đỉnh núi xa xôi này!”

Từ năm 1953 trở đi, tình hình đất nước khi đó đã thay đổi rõ rệt. Những con đường ngoằn ngoèo đào nham nhở đã được san lấp. Có những chiếc xe tải vượt lên, là chiếc xe đầu tiên bà thấy sau những năm ở rừng. Bà khi ấy tựa vào gốc cây, hít lấy hít để mùi xăng, ghi nhớ mùi hương đặc trưng của những chiếc xe chiến đấu, bà lại thấy buồn bã vì không biết đến khi nào thì mới chấm dứt cảnh chiến tranh, cảm xúc như thác suối tuôn trào mạnh mẽ ở trong tâm trí người phụ nữ Cách Mạng. Đầu năm 1954, ông Hoàng - chồng của bà về nghỉ phép được hơn một tuần trước khi chuẩn bị vào một cuộc chiến đặc biệt quan trọng. Cảm xúc vừa tự hào vừa lo lắng cho người sắp ra mặt trận. Khi đó vì “Tất cả cho Điện Biên Phủ”, mỗi tháng bà chỉ lấy 8 kilo gạo thay vì 13 kilo như trước kia. Tấm lòng lương thiện của bà đã được thể hiện rất rõ qua những hành động nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống hàng ngày. Vào một ngày không thể quên, ngày 8 tháng 5 năm 1954, khi bà đang làm việc, bỗng một tiếng loa vang lên: “QUÂN TA CHIẾN THẮNG RỒI! HÔM QUA CHÚNG TA ĐÃ CHIÊN THẮNG Ở ĐIỆN BIÊN PHỦ!”. Bà vừa ngỡ ngàng vừa hạnh phúc, không có từ ngữ nào có thể diễn tả được hết tâm tình của bà, tiếng cười và tiếng khóc xen nhau. Bà luống cuống, vội vàng gấp rút hoàn thành tờ báo cuối cùng với dòng chữ in to, đậm: “CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ MUÔN NĂM! QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM ANH HÙNG MUÔN NĂM!”. Năm 1954, cả Hà Nội tưng bừng đón tiếp đoàn quân chiến thắng trở về. Đường phố tràn ngập người đi, đàn ông mặc âu phục chỉnh tế, thiếu nữ thì rực rỡ áo dài muôn màu. Do ông Hoàng báo tin sẽ tham gia lễ duyệt binh mừng chiến thắng nên bà vội vã bế hai con đến đứng rất sớm ở đầu góc Hàng Trống-Hàng Khay chờ đợi...Những ngày tháng sau đó bà vẫn tiếp tục, miệt mài chăm chỉ hy sinh, cống hiến cho đất nước Việt Nam-mảnh đất thấm đượm máu xương của những vị anh hùng.

Cuộc sống khổ cực của bà chưa dừng lại tại đó, ngày tháng phải chạy trốn những quả bom với sức công phá kinh hoàng của Mĩ đã bắt đầu. Ở Hà Nội những năm 1966-1967, cũng như mọi gia đình khác gia đình bà cũng phải bắt đầu cuộc sơ tán. Con trai lớn thì đi cùng chồng bà theo Trường Đại học Bách Khoa sơ tán ở Lạng Sơn, hai cháu nhỏ thì sơ tán theo cơ quan Ủy ban Liên lạc Văn hóa với Nước ngoài. Từ những năm 1967 trở đi, Mĩ tăng cường ném bom dữ dội nhằm ngăn việc vận chuyển hàng cho mặt trận. Từ Vĩnh Linh, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An trở ra, những chiếc xe vận tải thương tích đầy mình được gom lại dưới những rặng cây. Những chiếc xe méo mó, mất kính, mất cửa, hỏng máy nằm chỏng chơ ở đó như đang lên tiếng tố cáo sự hung hãn và ác độc của Mĩ. Một đêm, Mỹ ném bom vào nhà máy điện Yên Phụ, chỉ cách khách sạn Thống Nhất nơi mà bà được phân công trực chiến khoảng chừng vài cây số theo đường chim bay. Các anh chị phục vụ khách sạn giờ đã trở thành những chiến sĩ tự vệ, vai đeo súng dắt những người lớn tuổi xuống hầm trú ẩn. Bà cũng xách theo một túi cấp cứu, nhảy vào. Tiếng hét, tiếng khóc hoảng loạn bắt đầu vang lên, ngồi sát bên bà là một ca sĩ Mĩ, chị Joan Baez chị sang Việt Nam để đến các trại tù binh Mỹ và đã hát cho họ nghe. Bà nhận thấy sự sợ hãi trong tâm trí chị nên liền cầm lấy tay chị an ủi, bàn tay lạnh ngắt, run rẩy. Bà cố trấn an chị: “Chúng tôi có câu: Bom rơi xuống chưa cách đã trúng, trúng chưa chắc đã chết, nên chỉ có cách là bình tĩnh thôi. Hay là chị hát lên. Tôi tin chắc rằng tiếng hát làm cho chị bớt căng thẳng”.Chị đã hát, vừa để an ủi chính bản thân mình vừa để an ủi trái tim đã vỡ nát của những người con quê cha đất tổ. Thế là tiếng hát đã cùng bà và vô số những con người tội nghiệp sống sót qua vài tiếng đồng hồ Mĩ thả bom ác liệt xuống nơi đây…

Gánh gồng hai vai việc nước việc nhà như đã là một gánh nặng từ ngàn đời trên đôi vai người dân Việt nói chung và người phụ nữ Việt nói riêng. Đọc hết cuốn nhật ký của bà, ta thấy bà đã can đảm và dịu dàng gánh cái gánh nặng nhọc cuộc đời mình đi hết chín phần mười thế kỉ. Bảo là số mệnh bắt bà chịu đựng như thế ư? Có lẽ là như vậy. Những năm tháng trôi đi và lịch sử không ngừng biến động, Xuân Phượng ngày nào còn quyết chọn con đường của riêng mình-con đường cách mạng đã tới được bến bờ viên mãn. Bà đã sống vì đất nước ở tuổi mới lớn. Đến tuổi già bà cũng vì đất nước mà sống.

Bạn hãy đọc cuốn sách xúc động sâu sắc này. Hãy đọc để chúng ta như được lắng lại, để hiểu thêm những nét đẹp không thể diễn tả bằng lời, mà chỉ có tình cảm trong tâm của tác giả được thể hiện qua các câu chữ, từ những trang đầu tiên đến những trang cuối cùng để nhận được nhiều những lời nhắn nhủ của tác giả: “Chỉ mong các bạn khi đọc những cuốn sách này, đọc một chương nào đó, bỗng xao xuyến thấy lại tuổi trẻ của mình, sẽ mỉm cười, sẽ xót thương, hay sẽ yêu mến số phận của một Con người-hơn nữa, số phận một Người Đàn Bà”. Đó là lời của bà- một người nay đã ngoài tuổi 90 “bỗng cảm thấy mình như trẻ lại” khi lại nhớ về quá khứ của mình.

Lê Lan Chi-9A1

Trường PTDL Hermann Gmeiner Hà Nội.